Thương vụ này không chỉ giúp Swansea đoạt danh hiệu đầu tiên trong lịch sử, giành quyền tham dự cúp châu Âu, mà còn trở thành dấu ấn rực rỡ nhất trong kỷ nguyên Michael Laudrup, đồng thời khiến các tuyển trạch viên của những đội bóng lớn tại Anh cảm thấy xấu hổ.
Michu đến Swansea với mức giá chỉ 2 triệu bảng từ Rayo Vallecano. Khi ấy, anh không nhận được nhiều sự chú ý, song chỉ cần 90 phút trong trận mở màn mùa giải 2012/13 gặp QPR, Michu đã gây sốt với 2 bàn thắng, trong đó có một cú cứa lòng tuyệt đẹp vào góc cao khung thành Rob Green - một tín hiệu cho thấy điều kỳ diệu đang đến.
Kết thúc mùa giải, Michu ghi 18 bàn tại Premier League, thêm 4 bàn ở các giải đấu cúp, bao gồm cú đúp muộn vào lưới Arsenal ngay tại Emirates, các bàn thắng vào lưới MU và Chelsea - nhà ĐKVĐ châu Âu lúc ấy. Anh cũng góp công lớn với một bàn trong trận chung kết Cúp Liên đoàn trước Bradford, giúp Swansea giành danh hiệu lớn đầu tiên trong lịch sử.
Dù chơi như một tiền đạo hay tiền vệ công, Michu luôn biết cách xuất hiện đúng lúc đúng chỗ. Anh có khả năng chọn vị trí tinh tế, dứt điểm lạnh lùng và còn cực kỳ lợi hại trong không chiến.
Tuy nhiên, Michu không chỉ biết ghi bàn. Anh còn sở hữu kỹ thuật kiểm soát bóng điêu luyện, khả năng phối hợp thông minh và đọc trận đấu cực kỳ sắc sảo. Đội hình Swansea thời điểm ấy có nhiều tài năng, nhưng Michu là ngôi sao sáng nhất - người khiến các khán giả trung lập cũng phải yêu mến.
Điều thú vị là Sir Alex Ferguson từng đùa rằng ông sẽ "phạt" đội ngũ tuyển trạch của mình vì không phát hiện ra Michu, trong khi Erling Haaland, ngôi sao hàng đầu thế giới hiện nay, từng tiết lộ màn ăn mừng bàn thắng của mình được lấy cảm hứng từ thần tượng thời thơ ấu: Michu.
Michu tiếp tục thăng hoa ở đầu mùa giải kế tiếp, nổi bật với bàn thắng vào lưới Valencia ngay tại Mestalla trong chiến thắng 3-0 kỳ diệu. Anh thậm chí còn được triệu tập lên ĐT Tây Ban Nha, khi La Roja đang là ĐKVĐ thế giới và châu Âu - một thành tựu phi thường.
Đáng tiếc, chấn thương đã chặn đứng hành trình thăng hoa đó. Michu dính chấn thương mắt cá nghiêm trọng trước lúc lên tuyển. Dù cố gắng thi đấu trong đau đớn, tình trạng của anh ngày càng tệ. Sau thời gian dài nghỉ thi đấu, Michu trở lại vào cuối mùa 2013/14 song không còn là chính mình. Anh trở nên chậm chạp, thiếu cảm giác bóng và mất đi sự nguy hiểm vốn có.
Một bản hợp đồng cho mượn đến Napoli cũng không thành công vì chấn thương tiếp tục đeo bám. Cuối cùng, Michu trở lại chơi ở các giải bán chuyên tại Tây Ban Nha và giải nghệ tại Real Oviedo - đội bóng thời thơ ấu của anh - khi mới 31 tuổi.
Một số tài khoản mạng xã hội hay gọi Michu là "hiện tượng một mùa giải vĩ đại nhất lịch sử". Tuy nhiên, đây là một nhận định thiếu công bằng.
Thứ nhất, Michu không phải "kẻ vô danh" trước khi đến Swansea. Anh là tiền vệ ghi bàn nhiều nhất La Liga mùa trước đó, với 15 bàn cho Rayo Vallecano, bao gồm có cú đúp vào lưới Real Madrid ngay tại Bernabeu. Thứ hai, nếu không vì chấn thương, không gì có thể ngăn cản Michu tiếp tục thăng hoa tại Premier League.
Nhưng câu chuyện của Michu không phải bi kịch, mà là một hành trình thành công tuyệt vời - câu chuyện về một người hùng đến từ nơi ít ai chú ý, bùng nổ tại hai giải đấu lớn nhất thế giới, và để lại dấu ấn không thể phai mờ.
Thậm chí, tên anh từng được dùng như một "đơn vị đo lường chuyển nhượng": "Chi 20 triệu bảng cho một tiền đạo? Đó là 10 Michu đấy! Quá đắt!".
Ngày nay, những thương vụ kiểu Michu gần như không thể xảy ra. Với công nghệ phân tích dữ liệu và hệ thống tuyển trạch toàn cầu, không CLB Premier League nào có thể "bỏ sót" một cầu thủ xuất sắc như thế.
Dù chỉ chơi 67 trận cho Swansea, Michu đã khắc tên mình vào lịch sử CLB. Trong 20 hay 30 năm nữa, những đứa trẻ tại xứ Wales vẫn sẽ biết tên anh qua lời kể của cha ông họ về một ngôi sao từng khiến cả Premier League phải nể phục.
Thật hiếm có cầu thủ nào, chỉ tỏa sáng trong khoảng thời gian ngắn ngủi, lại để lại được nhiều kỷ niệm đẹp đến vậy. Michu - cái tên mãi được nhắc đến bằng sự yêu mến và nể phục.